Cấp khí tươi cho các hệ thống điều hòa không khí

Lưu lượng khí tươi cung cấp cho các hệ thống Điều hòa không khí phải đảm bảo đầy đủ cho số người trong phòng sử dụng. Lưu lượng khí tươi cung cấp  cũng cần đảm bảo yêu cầu là không nhỏ hơn 10% tổng lưu lượng gió cung cấp cho phòng.

Việc cấp khí tươi cho không gian điều hòa thường được thực hiện theo các biện pháp sau đây:

  • Cấp khí tươi trực tiếp vào phòng;
  • Cấp khí tươi thông qua hệ thống điều hòa.

Cấp gió tươi trực tiếp vào phòng

Đây là phương pháp đơn giản và thường được sử dụng. Khí tươi được các quạt hút từ bên ngoài, qua các bộ lọc và đưa vào phòng. Việc cấp gió có thể trực tiếp vào phòng từ các quạt gắn tường, hoặc hệ thống kênh dẫn gió đối với quạt treo trần.

Do không khí tươi đã được làm lạnh sơ bộ nên tránh được sự phân bố không đều  nhiệt độ gió giữa các vùng.

Việc cấp khí tươi trực tiếp vào phòng có ưu điểm là có thể cấp vào những khu vực cần thiết kế. Tuy nhiên, do nhiệt độ không khí tươi khác nhiệt độ không khí trong phòng, nên nếu bố trí không đều có thể làm cho nhiệt độ không khí trong phòng không đều. Để hạn chế điều đó,  về mùa hè người ta làm lạnh sơ bộ không khí tươi trươc khi thổi vào phòng, ngược lại vào mùa đông sẽ gia nhiệt sơ bộ. Biện pháp tốt nhất là thực hiện hồi nhiệt với khí thảo ra ngoài. Nhưng để nâng cao hiệu quả có thể sử dụng các IU (indoor unit) để cấp khí tươi.

Cấp gió tươi theo hệ thống điều hòa

Việc thông gió độc lập, trực tiếp vào phòng không thông qua hệ thống ĐHKK có nhược điểm là trương nhiệt độ không khí vào phòng và phân bố khí tươi không đều. Trong trường hợp cấp gió tươi thực hiện thông qua hệ thống điều hòa không khí, gió tươi sẽ hòa trộn với gió hồi và cấp vào phòng nên phân bố đều và tránh làm thay đổi trường nhiệt độ trong phòng.

Trong các hệ thống này khí tươi được đưa trực tiếp hoặc hòa trộn với không khí tuần hoàn sau đó đưa đến IU để làm lạnh (hoặc gia nhiệt) rồi mới cấp vào phòng, theo sơ đồ thẳng, sơ đồ tuần hoàn một cấp hoặc hai cấp.

sơ đồ nguyên lý cấp gió tươi dùng hệ thống VRV

Trường hợp thường gặp nhất là sơ đồ tuần hoàn, theo sơ đồ này người ta có nhiều cách thực hiện, đặc biệt là buồng hòa trộn không khí rất khác nhau, cụ thể:

Lấy khoảng không gian phía trên la-phông làm buồng trộn

Cách thiết kế này có ưu điểm là không cần hệ thống hồi gió. Gió hồi được lấy trực tiếp qua miệng hút gắn trên trần, đi lên phía trên trần và hòa trộn với gió tươi lấy qua các cửa lấy gió.

Phương pháp này đơn giản, dễ thực hiện nhưng có nhược điểm là:

  • Khi hệ thống hoạt động, không khí nằm ở khoảng không gian trên trần cũng được làm lạnh (hoặc gia nhiệt) nên thể tích không gian làm lạnh tăng.
  • Dùng khoảng không gian trần để hòa trộn nên chất lượng gió nhiều lúc không đảm bảo, nhất là các công trình lớn có sự thông nhau giữa khoang trần của nhiều khu vực, ảnh hưởng của bụi, ẩm mốc đến chất lượng gió.
  • Điều chỉnh lưu lượng gió tươi rất khó khăn do các cửa lấy gió tươi lắp đặt phía trên la-phông và xác định tỷ lệ hòa trộn gió thực tế khó chính xác, phụ thuộc rất nhiều yếu tố, nhất là vị trí miệng hút, miệng cấp gió tươi và đầu hút của dàn lạnh. Thường các cửa lấy gió tươi chỉ được điều chỉnh một lần, trong quá trình sử dụng hầu như không có sử dụng. Mặt  khác để hút được gió tươi, khoang hút phải kín và đầu hút của các dàn lạnh phải bố trí gần các cửa lấy gió tươi.

Sử dụng hộp hòa trộn và có hệ thống kênh hồi gió

Đối với hệ thống này, phần không gian trên la-phông không được làm lạnh (hoặc gia nhiệt) do đso dảm bảo chất lượng gió và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Cấp gió tươi kiểu tập trung

Phương pháp cấp gió tươi kiểu tập trung thường sử dụng trong các hệ thống lớn. Trong hệ thống này, quạt cấp gió tươi đến các buồng hòa trộn của các dàn lạnh. Đây là phương pháp hiệu quả, đồng thời chủ động cấp gió một cách tích cực theo tỷ lệ thích hợp nhất cho từng kgu vực và công trình, thông qua các van điều chỉnh lưu lượng gió điều khiển bằng động cơ.

Nguồn: Sưu tầm